Trang bị cho sinh viên năng lực sử dụng và đồng sáng tạo AI

Ngày 23/7 tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Meta phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên”. 

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận về sự cần thiết của việc xây dựng một khung năng lực về trí tuệ nhân tạo (Al) dành cho sinh viên, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các nhóm năng lực cốt lõi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

khung-nang-luc-tri-tue-nhan-tao-pld-1753267161.png
Toạ đàm “Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên”.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ yêu cầu đổi mới, nhà trường đã xác định rõ các “từ khóa” chiến lược, trong đó có những yếu tố mang tính quyết định như: Công nghệ hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy trên nền tảng khoa học xã hội và nhân văn truyền thống. 

“Tiêu biểu là việc triển khai Dự án xây dựng khung năng lực số cho học sinh, sinh viên Việt Nam, góp phần phổ biến và định hình khái niệm “năng lực số” như một yêu cầu thiết yếu đối với người học trong thời đại mới. Từ các học liệu, mô - đun giảng dạy và khung năng lực do nhà trường xây dựng, hàng trăm trường đại học trên cả nước đã tham khảo, áp dụng và lan tỏa rộng rãi. Từ kết quả tích cực của giai đoạn đầu, nhà trường tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Meta triển khai giai đoạn hai của dự án Xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên đại học” - GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.

gsts-hoang-anh-tuan-pld-1753267161.jpg
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ngày nay, sự trỗi dậy nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại cách chúng ta làm việc, học tập và đổi mới sáng tạo. AI không còn là mối quan tâm của tương lai mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết ở hiện tại. Theo ý kiến của các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo ngày càng trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống, đòi hỏi các hệ thống giáo dục phải chủ động trang bị cho người học năng lực sử dụng và đồng sáng tạo AI một cách có trách nhiệm, hiệu quả và đạo đức. 

Việc tích hợp các mục tiêu học tập về AI vào chương trình giáo dục chính thức là điều thiết yếu, nhằm giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận AI một cách an toàn, có ý nghĩa và sẵn sàng thích ứng với một xã hội đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Những cơ sở giáo dục không đáp ứng yêu cầu này sẽ khó duy trì được tính phù hợp và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Ông Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, AI là một công cụ mạnh mẽ, đang hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cũng như các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và năng lực. Chính vì vậy, việc xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Đồng thời, ông Tùng cũng mong muốn khung năng lực này sẽ được xây dựng một cách bài bản, khoa học, có chất lượng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia và tổ chức quốc tế đã triển khai thành công, để có thể vận dụng phù hợp vào thực tiễn giáo dục đại học tại Việt Nam.

ong-tran-van-tung-pld-1753267161.jpg
Ông Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tại Toạ đàm, các chuyên gia đã đi sâu vào nhiều vấn đề, trong đó chú trọng: Hướng dẫn cá nhân tiếp cận tri thức về AI: Trang bị cho người học kiến thức về cách thức hoạt động và năng lực của AI, cũng như khả năng của các công cụ AI khác nhau trong việc hỗ trợ và nâng cao năng lực cũng như hiệu quả công việc của con người.

Xây dựng nền tảng cho việc sử dụng AI một cách phù hợp: Đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm và đúng đắn, có cân nhắc đến các hệ quả đạo đức tiềm ẩn như thông tin sai lệch, đạo văn, và tác động xã hội của AI.

Thúc đẩy sự hợp tác tích cực giữa con người và AI: Tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng cốt lõi của con người như tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng thích ứng thông qua việc sử dụng AI, đồng thời đảm bảo con người vẫn giữ vai trò trung tâm trong quá trình phát triển AI.

Đảm bảo, tiếp cận tích hợp đa chiều, nhằm đảm bảo sinh viên không chỉ làm chủ công nghệ mà còn phát triển năng lực toàn diện trong môi trường số. Tư duy phản biện được xác định là năng lực cốt lõi xuyên suốt toàn bộ khung năng lực.

Rèn luyện cho sinh viên khả năng học hỏi linh hoạt, giải quyết vấn đề trong bối cảnh biến động, cũng như đảm bảo tính bao trùm và công bằng xã hội trong ứng dụng AI, là yếu tố then chốt để xây dựng một thế hệ công dân số có trách nhiệm.

Hoàng Anh