UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương

Nguyễn Ánh Hiền
Vào hồi 14 giờ 9 phút, giờ địa phương (13 giờ 9 phút, giờ Hà Nội) ngày 8-5, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở Thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương

“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị lần này, TS Vũ Thị Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia đã tái cử chức danh Phó chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2024 - 2028. Đồng thời, toàn thể đại biểu của 23 quốc gia thành viên bỏ phiếu thông qua 20/20 hồ sơ ghi vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương thuộc các quốc gia: Australia và Tuvalu (1), Bangladesh (1), Indonesia (3), Ấn Độ (3), Malaysia (2), Mông Cổ (2), Philippines (2), Trung Quốc (3), Uzbekistan (2) và Việt Nam (1) - “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”.

"Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được đúc tại kinh thành Huế, dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi 1835, kéo dài tới đầu năm 1837 mới hoàn thành. Ngày 4-3-1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ khánh thành và an vị cho Cửu đỉnh dưới sự chủ lễ của vua Minh Mạng.

UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời.

Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. Sau khi đúc xong, 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ Miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng Thành (Đại Nội) - kinh thành Huế. Các đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao, điều mà rất hiếm thấy dưới chế độ phong kiến.

UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương

Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh - núi Tản Viên, ngọn núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên là ngọn núi gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh trị thủy.

UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Bạch Đằng Giang khắc trên Nghị đỉnh - sông Bạch Đằng là con sông lớn ở Đông Bắc Tổ quốc, chảy qua các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng. Sông Bạch Đằng ghi dấu lịch sử với những trận thủy chiến chống quân xâm lược.

Đáng lưu ý nhất là nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ để tạo nên tác phẩm đặc sắc, độc đáo. Do ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa phương Đông về quan niệm con số “9” và đúc 9 đỉnh là bao hàm ý nghĩa tính thống nhất và trường tồn của triều đại. Các bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại, và điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt 9 chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.

"Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" còn lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Ngày 1-12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 9 chiếc đỉnh thời Nguyễn là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg. Bộ Cửu đỉnh này đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Hồng Sơn khắc trên Anh đỉnh - núi Chim Hồng còn gọi là Hồng Lĩnh là dãy núi lớn ở Hà Tĩnh.
UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Hương Giang khắc trên Nhân đỉnh - sông Hương, dòng sông lớn ở Thừa Thiên Huế, chảy qua trước Kinh thành Huế và đổ ra biển ở cửa Thuận An.

Di sản tư liệu đã được nhất trí ghi danh với sự đồng thuận đánh giá cao của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới và 23/23 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự Hội nghị này.

Việc “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10 di sản (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

Đây là những minh chứng cụ thể vững chắc cho đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành được Chính phủ thông qua trình Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa để bổ sung loại hình mới là di sản tư liệu, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam, dự kiến được Quốc hội khóa 15 thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, năm 2024.

UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở Thành phố Ulan Bator (Mông Cổ).

Đây cũng chính là một trong những hoạt động thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO trong việc nỗ lực nội luật hóa các điều ước quốc tế, chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.