Biển Quang Lang (Thái Thụy, Thái Bình) lúc bình minh

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Nhân dịp chuyến công tác tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đoàn chúng tôi có cơ hội được đến thăm vùng biển Quang Lang, được mệnh danh là "bãi biển vô cực". Chúng tôi ngỡ ngàng và vỡ òa cảm xúc trước vẻ đẹp khác biệt, độc đáo của Biển Quang Lang lúc bình minh.

Anh có về Thái Thụy với em không
Đón ngày mới bình minh hồng rực rỡ
Nghe biển hát rì rào ru nhịp thở
Nhớ quê hương em trăn trở bao ngày

Cảng Diêm Điền mang vẻ đẹp đắm say
Tàu về bến mỗi ngày đầy tôm cá
Cồn Đen vẫn rì rào con sóng cả
Rừng nguyên sinh mùa đông lá thay màu
(Thơ: Chuyên Tạ)

4-ok-1683022635.jpg
 

Đây là vùng biển hoang sơ, chưa phát triển du lịch mà chủ yếu là nơi săn bắt hải sản của người dân địa phương. Vài năm trở lại đây, bờ biển Quang Lang thu hút giới nhiếp ảnh gia bởi cảnh đẹp kỳ ảo, lôi cuốn trong sớm bình minh.

Để có những khoảnh khắc đẹp và chân thực nhất, chúng tôi chuẩn bị cho buổi khám phá từ rất sớm, thức dậy từ 3h sáng, lội bùn và cát quãng đường khoảng hơn 2,5 km, với thiết bị để chụp được những bức ảnh của khoảnh khắc của biển, của những ngư dân mưu sinh với nghề biển nơi đây.

Biển Quang Lang nằm ngay cạnh cửa sông Diêm Hộ - một nhánh nhỏ của sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 140km và cách thị trấn Diêm Điền khoảng 2km. Bãi biển Quang Lang có đặc điểm tự nhiên khá khác biệt và thú vị so với các vùng ven biển khác, Dù không có nước biển xanh ngắt quanh năm như Trà Cổ, không có những bãi cát trải dài êm ái.Tuy vậy biển nơi đây có độ bằng phẳng trải dài hàng chục km2, khi thủy triều xuống mặt nước trên bãi cát phù sa chỉ ngang tầm mắt cá chân, những hôm trời lặng gió thì cả bãi biển mênh mông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu tất cả những gì phía trên xuống mặt nước tạo nên vẻ đẹp lung linh, kỳ thú...

12-ok-1683022635.jpg
 

Đây cũng chính là nguồn lợi mưu sinh hàng ngày của cả làng biển Quang Lang từ ngàn đời nay, người dân ra bãi đánh bắt hải sản ven bờ như cua, cáy, móng tay, ngao vọp và dùng Te để đánh bắt tôm vàng, cá đối... ở vùng nước nông.

"Te" là một ngư cụ truyền thống được tạo nên từ hai cây tre dài, xếp hình chữ V và lưới để đánh bắt tôm, cá nhỏ ở các vùng nước ven bờ.

1-ok-1683022635.jpg
 
3-ok-1683022635.jpg
 

Không chỉ có vậy, hình ảnh những ngư dân đẩy te từ tờ mờ sáng trên biển cũng là một trong những điểm nhấn đẹp đẽ cho vùng biển này. Nhìn người dân nơi đây đẩy te, tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng kỳ thực rất nặng vì gọng te dài, người yếu sức không thể thao tác nổi. Có tận mắt chứng kiến mới quý trọng hơn công sức lao động của người dân vùng biển. Gọng te lúc lên cao, lúc hạ xuống thấp trông như những cánh buồm no gió. Chỗ nước sâu, người đẩy te còn phải đi cà kheo để kéo te, tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động, thu hút du khách.

6-ok-1683022635.jpg
 

Ngoài việc sinh sống bằng nghề đánh bắt, người dân vùng biển Quang Lang còn có thêm nghề dệt chiếu, nuôi tằm lấy tơ, chạm trổ đồng… Đến với vùng biển Quang Lang, du khách sẽ được chứng kiến một vùng biển đẹp, bình yên, hoang sơ và khác biệt…

Từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng khách du lịch đến nơi đây tăng cao, chủ yếu là đến săn ảnh.Tuy nhiên, cho đến hiện tại, điều kiện về hạ tầng giao thông, cơ sở dịch vụ hậu cần, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách đến khám phá, tận hưởng vùng đất du lịch nơi đây còn nhiều khó khăn. Quãng đường từ đất liền ra khu vực biển Quang Lang phải đi bộ khoảng 2,5km trong điều kiện bùn lầy khá trơn trượt.

5-ok-1683022635.jpg
Có tận mắt chứng kiến mới quý trọng hơn sức lao động của người dân vùng biển.
2-ok-1683022635.jpg
 

Kết thúc chuyến đi, trở lại Hà Nội, chúng tôi vừa thỏa mãn với cái mệnh danh là "bãi biển vô cực", cũng vừa có tâm tư; mong muốn ngày sớm nhất được quay lại, để thấy sự thay da đổi thịt của nơi này.

Xã hội đang phát triển từng ngày, mọi thứ sẽ thay đổi nhưng hi vọng bãi biển có vẻ đẹp tự nhiên, nên thơ và rất đặc biệt này sẽ mãi được giữ nguyên trạng, vừa là nét độc đáo của quê hương vừa là nguồn sống của bao gia đình và cũng là kí ức của nhiều thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở nơi này...

9-ok-1683022635.jpg
 
11-ok-1683022635.jpg
 
7-ok-1683022635.jpg
Bài: Đỗ Linh - Ảnh: N.H. Thanh Hải (CLB Nhiếp ảnh Việt - Đức)