Để hiểu rõ hơn về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Lào, cụ thể là khu vực Bắc Lào, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Kiều Thị Hằng Phúc - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Luang Prabang, Lào.
Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Lào gắn bó bền vững. Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước?
Việt Nam và Lào hiện có chung đường biên giới dài hơn 2.337 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum với tổng diện tích tự nhiên hơn 154.000 km², tiếp giáp với các tỉnh biên giới của nước Lào gồm: Phông Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Van Na Khẹt, Xa La Van, Xê Kông và At Ta Pư có diện tích gần 150 km².
Tháng 3/2016, hai bên đã ký Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế biên giới, cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.
Cho đến nay, trên toàn tuyến biên giới với Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở. Đã thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi cho phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Quan hệ giữa Việt Nam và Lào đã phát triển nhanh chóng kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962. Mối quan hệ đó có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, đầu tư và phát triển của doanh nghiệp hai nước.
Tăng trưởng kinh tế, thương mại hai chiều không chỉ tạo ra không gian kinh tế với sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội đẩy mạnh sự giao lưu giữa hai nền văn hóa, củng cố vững chắc mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Bà có thể chia sẻ về điểm nhấn trong hành trình kết nối xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương?
Có thể thấy, trong những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực Công Thương là trụ cột trong quan hệ hai nước. Từ 2012 đến nay, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm (trừ giai đoạn dịch Covid-19). Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 1,63 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 533 triệu USD, giảm 18,7%; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,7%. Ước 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 417,8 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ 2023.
Tuy nhiên, có thể thấy, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Điều này cho thấy chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Thưa bà, với vai trò "bà đỡ", thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào đã triển khai những hoạt động gì nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước?
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang phụ trách 8 tỉnh Bắc Lào/17 tỉnh, thành phố của Lào. Với vai trò thực hiện công tác ngoại giao kinh tế, Tổng Lãnh sự quán hàng năm chủ trì tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, đầu tư thương mại giữa các tỉnh Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán cũng là "cầu nối" thông tin các chủ trương, quyết sách đến các doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Từ đó, tăng cường giao lưu, kết nối và thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại giữa hai bên.
Đặc biệt, trong năm 2023, với vai trò chủ trì, Tổng Lãnh sự quán đã tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư phối hợp với tỉnh Điện Biên, các tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến hội chợ Công Thương tại tỉnh Luang Prabang rất thành công, được nước bạn Lào và nhân dân đánh giá cao.
Thông qua các hội nghị nhằm tạo cơ hội cho các địa phương Việt Nam và Lào chia sẻ thông tin, đẩy mạnh kết nối, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các tỉnh với các địa phương của Lào; kêu gọi hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp... góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy hoạt động đầu tư – sản xuất kinh doanh tại hai nước.
Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư tại khu vực Bắc Lào?
Khu vực Bắc Lào có nhiều tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp, khai thác khoáng sản, lâm nghiệp và thủy điện. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào còn ít. Ngược lại, các doanh nghiệp của Lào còn chưa quan tâm nhiều đến Việt Nam.
Do đó, Tổng Lãnh sự quán mong muốn, hàng năm, Bộ Công Thương hai nước cùng các tỉnh có quan hệ hợp tác kết nghĩa có thêm sự giao lưu, tổ chức nhiều hơn các hội nghị và hội chợ để hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại khu vực Bắc Lào.
Về giải pháp, theo tôi, thứ nhất, cần xây dựng "hàng rào" pháp lý, chính sách ưu đãi dành để thu hút các doanh nghiệp hai bên tham gia đầu tư.
Thứ hai, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương cần quan tâm hơn về tổ chức các hội nghị, hội chợ có quy mô lớn để bà con có sự tiếp nhận thông tin, sản phẩm, hình thành thói quen sử dụng sản phẩm của các bên.
Thứ ba, tăng cường mối quan hệ hợp tác kết nghĩa trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp.
Để hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư hai nước, hiện nay, ở khu vực Bắc Lào đã có Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào. Xu hướng tới đây các chi hội tại các tỉnh khu vực Bắc Lào sẽ được thành lập, tạo hành lang pháp lý kết nối doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán sẽ kết nối doanh nghiệp, các đơn vị với các Hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư mạnh mẽ giữa hai nước.
Trân trọng cảm ơn bà!