Giá trị của di tích cách mạng và niềm tự hào

Trần Thu
Nói đến Việt Nam, nhiều người nước ngoài thường nghĩ ngay đến một dân tộc anh dũng, có truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước, đã chiến thắng những đế quốc mạnh nhất thế giới để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nước ta thành công đã trở thành nguồn cổ vũ, động lực thúc đẩy nhân dân các thuộc địa trên thế giới vùng lên lật đổ ách thống trị của các thế lực ngoại xâm, giành lại quyền làm chủ đất nước. Hai tiếng "Việt Nam" đã trở thành biểu tượng của độc lập, tự do.

Nước ta có rất nhiều di tích lịch sử ghi dấu niềm tự hào của Cách mạng Tháng Tám, cũng như các di tích lịch sử ghi dấu những chiến công trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện công tác công nhận, giữ gìn, tu bổ các di tích lịch sử, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng. Đó là cũng là cách hiệu quả để giáo dục, tuyên truyền về truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ người Việt Nam và khách quốc tế.

Giá trị của di tích cách mạng và niềm tự hào

Khu di tích Hòn Hèo: Nơi giáo dục lịch sử cách mạng - Chứng nhân lịch sử tàu không số. Ảnh: qdnd.vn

Tuy nhiên, thật đáng buồn vì có một bộ phận người Việt Nam, nhất là những người trẻ suy nghĩ và hành động chưa đúng, thậm chí có cả biểu hiện vô cảm với lòng tự hào dân tộc, vô ơn với sự hy sinh của thế hệ cha ông. Họ đặt câu hỏi rất ngây ngô rằng: Người nước ngoài khi tới Việt Nam mà được giới thiệu về cách mạng, về chiến tranh thì có gì đáng tự hào? Họ mơ hồ khi cho rằng: Một đất nước đáng tự hào phải là đất nước thái bình, con người thân thiện, không có đau thương, đổ máu, chết chóc... Cùng với đó, cũng có địa phương, giá trị của di tích lịch sử cách mạng chưa thực sự được tuyên truyền, quảng bá, khai thác hiệu quả. Đó phải chăng là một trong những nguyên nhân dẫn tới lối suy nghĩ đáng phê phán của một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay?

Nhìn chung, các nước trên thế giới đều quan tâm khai thác hiệu quả giá trị của di tích lịch sử, trong đó có các di tích của chiến tranh để không chỉ quảng bá cho giá trị truyền thống của đất nước họ mà còn mang lại nguồn thu rất lớn phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Đảo Hawaii của Mỹ là một ví dụ. Hawaii là thiên đường du lịch và người Hawaii đã biết kết hợp tài tình giữa quảng bá di tích trận chiến Trân Châu Cảng, bởi thế, du khách cứ đến Hawaii là hầu như đều ghé thăm di tích này.

Nước ta cần nghiên cứu những kinh nghiệm hay để phát triển hơn nữa du lịch về nguồn, du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, các “địa chỉ đỏ”. Cần khẳng định giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, từ đó tăng cường tuyên truyền, quảng bá, khai thác hiệu quả hơn để tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm cho thế hệ trẻ Việt Nam và du khách quốc tế hiểu được để có hòa bình hôm nay, đất nước, con người Việt Nam đã phải anh dũng, kiên cường chiến đấu để giải phóng dân tộc, tự giành lấy độc lập, tự do. Đồng thời, đây cũng là cách để tăng nguồn thu phục vụ cho công tác gìn giữ, tôn tạo di tích cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn.