Cần quyết liệt hơn nữa trong bảo vệ rừng giáp ranh

Tran Huy
Sơn La và Điện Biên có diện tích rừng lớn, giáp ranh giữa hai tỉnh với nhiều giá trị lâm sản. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích rừng khu vực giáp ranh nêu trên đang bị xâm lấn, chặt phá, thậm chí khu vực này còn diễn ra tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép…
Một chiếc lán gỗ lợp tôn đỏ nằm giữa rừng phòng hộ khu vực giáp ranh hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Một chiếc lán gỗ lợp tôn đỏ nằm giữa rừng phòng hộ khu vực giáp ranh hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Sau những cuộc điện thoại trao đổi với người dân sinh sống gần khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên, chúng tôi quyết định “thâm nhập” nơi những cánh rừng giáp ranh giữa Sơn La và Điện Biên đang bị xâm lấn và khai thác lâm sản trái phép. Theo phản ánh của người dân thì khu vực này luôn trong tình trạng bất ổn, các đối tượng phá rừng còn làm lán ở trong rừng, khai thác và vận chuyển đi bán.

Rừng giáp ranh bị phá

Để thấy rõ hơn rừng giáp ranh giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên bị xâm lấn, khai thác, chúng tôi quyết định đi từ phía tỉnh Sơn La. Bởi theo thông tin phản ánh của người dân thì từ đây sẽ thấy được tình trạng rừng bị xâm lấn rõ nhất, chủ yếu là người dân phía Sơn La sang xâm lấn, làm lán và khai thác, vận chuyển lâm sản đi bán. Và điều quan trọng là đi từ phía Sơn La, sẽ có người dẫn đường hiểu rõ được đường đi trong rừng, khu vực nào rừng đang bị phá, khai thác gỗ chỗ nào.

Mất hơn tiếng đồng hồ di chuyển từ thành phố Sơn La, chúng tôi có mặt tại trung tâm huyện Quỳnh Nhai, sau đó di chuyển bằng xe máy trong vai người đi bẫy chim, tìm ong từ khu vực bản Lốm Khiêu, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, nơi giáp ranh với bản Kề Cải, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Đây cũng là khu vực có rừng đặc dụng, phòng hộ của hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, là nơi người dẫn đường đã hẹn chúng tôi để cùng vào rừng.

Con đường đất vừa hẹp, vừa dốc, khó đi bắt đầu xuất hiện khi chúng tôi rẽ trái từ đường bê-tông thuộc khu vực bản Lốm Khiêu, xã Mường Giàng. Ngay khi di chuyển vào con đường đất được chừng 200m, đã bắt gặp một chiếc xe máy đang di chuyển ngược ra, trên xe có hai người cùng một chiếc cưa máy. Chúng tôi tiếp tục di chuyển vào phía trong rừng trên con đường đất do người dân tự mở.

Chừng 20 phút trải qua đoạn đường đất lẫn đá vừa dốc vừa khó đi, thậm chí phải xuống để đẩy xe và đi bộ, chúng tôi bắt đầu đặt chân vào khu vực giáp ranh giữa huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và Tuần Giáo (Điện Biên). Cũng tại khu vực này, bất chợt có ba chiếc xe máy di chuyển phía sau khá nhanh, trong đó có một chiếc xe máy do một người đàn ông không đội mũ bảo hiểm điều khiển vượt lên chặn ngay phía trước xe máy chúng tôi yêu cầu dừng xe với thái độ cùng những câu hỏi cũng không mấy thân thiện ngăn cản không cho di chuyển tiếp.

Tuy nhiên, khi được giải thích đây là địa phận của tỉnh Điện Biên, những người chặn xe là người của Sơn La thì những người này đành miễn cưỡng để chúng tôi đi tiếp. Tưởng sự việc đã xong, thì chỉ sau đó 20 phút, tiếp tục có một nhóm với bốn chiếc xe máy cùng với mấy người trước đó và một người xưng danh là cán bộ bản Lốm Khiêu, xã Mường Giàng tiếp tục ngăn cản không cho chúng tôi di chuyển sâu vào trong rừng… Lúc này, chúng tôi đành nói rõ là đang đi làm phản ánh về tình trạng phá rừng và những người này không được phép cản trở thì họ mới thôi, mà chỉ đứng chờ ở khu vực đó cho đến chập tối khi chúng tôi ra khỏi rừng lại tiếp tục theo sau…!?

Cũng bởi nhóm người xưng là cán bộ của bản Lốm Khiêu có mặt ở đó, nên người dẫn đường hẹn trước đó đã không dám xuất hiện. Vì theo như người dẫn đường trao đổi lại là nếu để lộ sẽ bị trả thù? Chúng tôi bắt buộc phải để lại xe máy ven rừng, rồi tự đi bộ vào phía trong theo như mô tả trước đó của người dẫn đường.

Cũng bắt đầu từ đây, bắt gặp một khoảng rừng bị tàn phá với hình ảnh những cây có đường kính từ 30 cm trở lên bị đốn hạ nằm ngổn ngang dưới mặt đất cùng nhiều xe máy và người dân trong rừng. Cũng bởi trong khu vực này không có sóng điện thoại, nên quá trình di chuyển vào rừng như đi trong mê cung, không biết được chỗ rừng bị phá rất nhiều, thậm chí là xẻ làm sập như người dân phản ánh. Do vậy, để bảo đảm an toàn, chúng tôi chỉ dám di chuyển theo con đường đất nhỏ hẹp và cũng là con đường duy nhất được vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng về phía Sơn La.

Suốt chặng đường đi bộ vào phía trong mất gần hai tiếng đồng hồ, tiếp tục bắt gặp những gốc cây có đường kính khoảng 40 cm trở lên với vết cắt còn mới, thân cây thì được cắt ra từng khúc dài chừng 2m nằm ven đường hoặc chỉ nằm cách con đường đất vài mét. Thậm chí, còn bắt gặp rất nhiều thớt gỗ nghiến kích cỡ 30 cm xếp chồng lên nhau hay đựng trong những chiếc bao tải nằm ngay bên đường. Không chỉ có nhiều lán ở, cả lán ở bằng gỗ lợp tôn do người dân dựng trong rừng, chúng tôi còn thấy những cây có chu vi gần hai người ôm mang trên mình những ký hiệu mà theo người dân cho biết đó là ký hiệu khẳng định “chủ quyền” của người đã nhìn thấy đầu tiên...

Cần quyết liệt hơn nữa trong bảo vệ rừng giáp ranh ảnh 1

Gần 60 chiếc thớt nghiến cùng một lưỡi cưa nằm ngay ven đường trong rừng giáp ranh.

Khó khăn trong quản lý

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) được biết: Đúng là có tình trạng người dân phía bên Sơn La sang phá rừng, xâm lấn đất rừng để dựng lán ở và làm nương. Xã cũng đã có báo cáo với huyện Quỳnh Nhai và cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, việc chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý rất khó, vì rừng bị xâm lấn, bị khai thác lại không thuộc địa phận quản lý của phía Sơn La. Còn đối với việc chủ yếu lâm sản được vận chuyển về phía Sơn La để tiêu thụ thì xã cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét nhưng không phát hiện được, chỉ thấy rừng giáp ranh đang bị tàn phá, xâm lấn…

Cùng những nội dung làm việc với Ủy ban nhân dân xã Mường Giàng, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, Ban Quản lý rừng đặc dụng-phòng hộ Thuận Châu, tỉnh Sơn La, thông tin: Lực lượng kiểm lâm cũng nhận được nhiều tin báo có việc vận chuyển lâm sản sang phía Sơn La từ rừng giáp ranh, đơn vị cũng đã phối hợp nhiều lần với lực lượng công an huyện, xã tuần tra công khai phía bên Sơn La, thậm chí còn tổ chức mật phục để bắt quả tang việc vận chuyển nhưng mỗi khi lực lượng triển khai là y như rằng không có hiện tượng vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng như tin báo.

Qua thực tế cho thấy, đất sản xuất nông nghiệp của người dân tỉnh Sơn La, Điện Biên chủ yếu là nương rẫy đan xen với đất rừng. Do chủ yếu đất sản xuất là nương rẫy phải canh tác trên đất dốc cho nên độ phì nhiêu của đất giảm dần theo thời gian, năng suất cây trồng giảm. Do vậy, để bảo đảm lương thực, người dân có xu hướng tăng diện tích đất canh tác.

Những khu vực giáp ranh thường là vùng xa, hẻo lánh, người dân của hai bên giáp ranh thường xâm canh để làm lán nương ở những khu thưa dân, ít người qua lại. Như khu vực của Sơn La tại các xã Pa Ma Pha Kinh có 11 hộ, xã Mường Chiên có một hộ, Cà Nàng có 109 hộ là người dân từ huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên sang làm lán nương và canh tác nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến rừng.

Một thực tế cho thấy, đời sống của người dân còn quá khó khăn, vẫn còn thói quen duy trì việc sử dụng gỗ làm nhà, đồ gia dụng và chất đốt. Việc tuần tra ngăn chặn khó khăn, các đối tượng vi phạm thường chọn thời điểm ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, dịp lễ, Tết nhằm tránh việc kiểm tra, tuần tra của lực lượng chuyên trách để thực hiện các hành vi xâm hại đến rừng.

Mặc dù được giao nhiệm vụ chuyên trách (Quản lý bảo vệ rừng viên) thực hiện nhiệm vụ trực tiếp ngoài địa bàn tại các khu rừng được giao nhưng viên chức của các chủ rừng chưa được hưởng các chính sách đặc thù để có đủ chi phí, tiền lương để yên tâm bám rừng, đặc biệt là việc bám rừng vào những ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính…

Trao đổi thêm với lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, được biết: Hiện tại có tình trạng người dân xâm canh xâm cư trong khu vực rừng giao của đơn vị, ảnh hưởng nhiều đến công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát diện tích rừng hiện có, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng làm nương, chặt hạ gỗ trái phép, nhưng khi lực lượng chức năng có mặt lại không phát hiện được các đối tượng.

Từ năm 2021 đến 2023, trong quá trình tuần tra khu vực giáp ranh, đơn vị đã phát hiện 13 vụ vi phạm liên quan đến phá rừng. Khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bắt gặp các đối tượng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương, đã ngăn chặn và lập biên bản vi phạm ban đầu, các đối tượng không hợp tác và có thái độ chống trả tổ công tác. Mặt khác khi lực lượng tuần tra, kiểm tra đến gặp gỡ tuyên truyền các hộ có lán nương thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng, các hộ cũng tỏ thái độ không hợp tác và chống đối lực lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh được tốt hơn thì Ủy ban nhân dân hai huyện Tuần Giáo, Quỳnh Nhai cùng lực lượng kiểm lâm, xã giáp ranh cần có quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng; hỗ trợ thêm kinh phí cho lực lượng bảo vệ rừng. Các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý các vụ vi phạm được phát hiện; tăng cường số lần tuần tra, truy quét và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin vùng rừng giáp ranh.

BÀI VÀ ẢNH: QUỐC TUẤN-LÊ LAN